Cán cân thương mại Mỹ-Trung có cải thiện dù căng thẳng vẫn hiện hữu
Vietstock - Cán cân thương mại Mỹ-Trung có cải thiện dù căng thẳng vẫn hiện hữu
Ý định sẽ duy trì cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Mỹ Biden cho thấy sẽ khó có thể giảm bớt căng thẳng giữa hai nước trong thời gian tới.
Nguồn: Getty Images |
Cán cân thương mại Mỹ-Trung có cải thiện trong năm 2020 nhưng quan hệ hai bên vẫn căng thẳng khiến tân Tổng thống Mỹ Joe Biden phải đối mặt với phép thử làm sao có thể cải thiện mối quan hệ với nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.
Theo số liệu của bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 5/2, mức thâm hụt thương mại hàng hóa Mỹ đã giảm khoảng 10% xuống còn 310,8 tỷ USD vào năm 2020, sau khi đã giảm 18% vào năm 2019 từ mức thâm hụt cao kỷ lục hồi năm 2018 là 418,95 tỷ USD.
Tuy nhiên Trung Quốc vẫn là nguyên nhân gây ra tới 1/3 tổng thâm hụt hàng hóa của Mỹ.
Giáo sư Eswar Prasad thuộc Đại học Cornell nhận định với tờ Wall Street Journal ngày 5/2 rằng dù có giảm nhưng mức thâm hụt thương mại của Mỹ vẫn còn rất lớn.
Ý định sẽ duy trì cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Biden cho thấy sẽ khó có thể giảm bớt căng thẳng giữa hai nước trong thời gian tới.
Chính quyền của ông Biden cho biết hiện đang xem lại các chính sách thương mại từ thời cựu Tổng thống Trump và chưa đưa ra tuyên bố chính thức có tiếp tục thực thi và gia hạn thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung ký mà ông Trump ký với Bắc Kinh cách đây một năm hay không.
Theo thỏa thuận giai đoạn 1 này, Trung Quốc phải nhập thêm những loại hàng hóa Mỹ nhất định nhưng Mỹ vẫn đánh thuế khoảng 370 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc.
Trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại ngày 4/2 vừa qua, ông Biden đã gọi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất” của Mỹ và cho thấy ông sẵn sàng hợp tác với Bắc Kinh nếu cần phải làm vậy vì lợi ích của nước Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Biden cũng tuyên bố sẽ đối đầu với Trung Quốc trong nhiều vấn đề.
Giới chuyên gia nhận định rằng chính quyền của ông Biden có thể sẽ nỗ lực giải quyết các vấn đề thương mại với Trung Quốc trong khuôn khổ đàm phán rộng hơn nhằm cải thiện quan hệ song phương.
Ông Scott Kennedy, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho rằng câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu chính quyền của ông Biden có thể chuyển nội dung đàm phán với Trung Quốc khỏi những tiêu chí mang tính bề mặt như thâm hụt thương mại và tập trung vào những tiêu chí mang tính thực chất hơn về việc làm, đổi mới, khả năng phục hồi chuỗi cung và an ninh quốc gia hay không.
Theo báo cáo của bộ Thương mại Mỹ ngày 5/2, tính cả năm 2020, thâm hụt thương mại hàng hóa, dịch vụ của Mỹ tăng 17,7% lên 678,7 tỷ USD trong bối cảnh thương mại toàn cầu giảm sút vì đại dịch.
Đây cũng là mức thâm hụt cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc vẫn là một trong những điểm sáng đối với Mỹ.
Xuất khẩu hàng hóa của Mỹ vào Trung Quốc tăng 17,1% lên 124,6 tỷ USD trong năm 2020 trong khi nhập khẩu hàng Trung Quốc giảm 3,6% xuống còn 435,4 tỷ USD.
Những mặt hàng Mỹ tăng xuất khẩu vào Trung Quốc có thể kể tới đậu tương, dầu thô, sợi bông và ngô, và đây đều là những mặt hàng Trung Quốc đã cam kết mua theo Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 ký với ông Trump cách đây một năm.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn không đảm bảo được mục tiêu mua tăng các hàng hóa nông nghiệp, công nghiệp và năng lượng của Mỹ theo cam kết trong thỏa thuận.
Số liệu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho thấy, Trung Quốc đã mua 93,7 tỷ USD hàng Mỹ trong năm 2020, thấp hơn rất nhiều mức 159 tỷ USD mà Bắc kinh đã cam kết trong Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Bắc Kinh cho biết họ chậm mua hàng do đại dịch.
Trong năm 2020, Mỹ giảm nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng lại nhập nhiều hơn từ các nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam và Thái Lan bởi một số công ty của Mỹ đã chuyển các cơ sở sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế.
Hải Vân
No comments: